Động vật cũng có cảm xúc: động vật cũng cảm nhận được đau đớn và niềm vui

Mặc dù chúng ta không còn lạ gì với chuyện động vật có cảm xúc, nhưng trên thực tế, hàng triệu vật nuôi vẫn bị coi như “vật vô tri” và thường xuyên bị nhốt trong không gian chật hẹp, thiếu hoặc không đảm bảo vệ sinh, không được cho ăn đầy đủ và phải chịu nhiều đau đớn—trong khi chúng hoàn toàn cảm nhận được.
Bên cạnh cảm giác khó chịu và đau đớn, động vật cũng có thể cảm thấy hân hoan, thích thú, hài lòng và những cảm xúc tích cực hay tiêu cực khác như con người. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học và lời khẳng định của các nhà lai tạo cũng như chuyên gia về động vật giàu kinh nghiệm.
Bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này? Hãy theo dõi chúng tôi để biết được cơ chế giúp động vật cảm thấy vui buồn, đau đớn, sợ hãi và thích thú giống như con người!
Động vật cũng có cảm xúc
Từ gia cầm đến động vật có vú, bao gồm cá và thậm chí cả động vật thân mềm, đều có cảm xúc nhờ sở hữu các mạch thần kinh và cấu trúc tạo ra ý thức—tuy nhiên, chỉ qua quan sát thì con người khó có thể diễn giải cảm xúc của động vật.
Phát hiện này đã được công bố vào năm 2012, trong Tuyên bố Cambridge về Ý thức ở người và động vật. Các nghiên cứu được tiến hành và công bố trong những năm sau đó đều ủng hộ tuyên bố này.
Sau đây là một số phát hiện của các nghiên cứu:
- Các nhà khoa học thần kinh người Mỹ phát hiện ra rằng chuột cống và chuột nhắt cũng kích hoạt mạch thần kinh tương tự như con người khi có cảm xúc.
- Nghiên cứu từ Đại học Emory ở Hoa Kỳ cho thấy các cá thể gà có đặc điểm tính cách riêng, loài này hiểu được các con số và cũng biết sợ hãi, lo lắng, đồng cảm.
- Các loài linh trưởng và voi có ý thức về công lý (thể hiện thái độ không hợp tác đối với những người ngược đãi chúng) và thậm chí còn có hành động trả thù những nhân viên huấn luyện và nhân viên chăm sóc hung dữ.
- Vẹt đuôi dài, một loài chim đẹp nổi tiếng, trung thành với bạn tình suốt đời, loài này có thể bỏ ăn đến chết khi mất bạn tình.
Tầm quan trọng của việc đảm bảo phúc lợi động vật
Các nhà lai tạo thường tuyên bố rằng họ tuân thủ mọi yêu cầu pháp lý về nhu cầu dinh dưỡng, vệ sinh và tiêm chủng cho vật nuôi, tuy nhiên, phúc lợi động vật thường bị bỏ qua.
Việc chỉ cung cấp điều kiện đủ sống cho vật nuôi là không đủ để đảm bảo vật nuôi không bị đau đớn và khó chịu.
Chúng ta cần xem xét đặc điểm riêng của từng loài nhằm cung cấp môi trường và không gian phù hợp để các cá thể cùng chung sống, ngủ nghỉ và bộc lộ các tập tính tự nhiên. Điều này giúp vật nuôi cảm thấy thoải mái, an toàn và phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, việc này cũng giúp công tác quản lý trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại, mang đến thành phẩm có giá trị cao hơn.
Hơn nữa, việc đảm bảo phúc lợi động vật cũng giúp thu hút sự quan tâm và lòng tin của người tiêu dùng có ý thức về vấn đề này.
Người tiêu dùng có ý thức
Ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc, quy trình sản xuất thực phẩm và sản phẩm mà họ sử dụng, đặc biệt đối với mặt hàng có nguồn gốc từ động vật.
Điều này không chỉ đơn thuần xuất phát từ sự tò mò: hiện nay, người tiêu dùng mong muốn được tiếp cận thực phẩm lành mạnh hơn thay vì được sản xuất từ quy trình mang lại sự đau khổ cho động vật hay gây ảnh hưởng đến môi trường.
Xu hướng này ngày càng phổ biến, khiến nhiều nông dân ở châu Á phải nhanh chóng thích nghi với thời đại mới và đảm bảo phúc lợi động vật cho gia súc.
Việc nhận thức được rằng động vật cũng cảm thấy vui buồn, đau đớn, thích thú, khao khát, sợ hãi, an toàn và những cảm xúc khác như con người là bước đầu tiên để đảm bảo phúc lợi cho động vật. Điều này mang lại lợi ích cho cả đơn vị chăn nuôi, người tiêu dùng, và đặc biệt là vật nuôi!
→ Tìm hiểu về quy trình cấp chứng nhận phúc lợi động vật!
Published on March 26, 2025