Thế nào là quản lý bò sữa đúng cách?

Đảm bảo phúc lợi động vật không chỉ giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống cho đàn vật nuôi mà còn có tác động tích cực đến năng suất sản xuất, môi trường làm việc, giúp giảm tổn thất và chi phí, mở ra cơ hội thị trường và cải thiện chất lượng thành phẩm.
Một trong những trụ cột của phúc lợi động vật là đảm bảo quản lý phù hợp theo từng loài, bao gồm quản lý đúng cách cho bò sữa.
Theo Compassion in World Farming, vào năm 2022, hơn 92 tỷ động vật được nuôi làm thực phẩm trên toàn cầu và 280 triệu cá thể bò sữa đã sản xuất ra 730 tỷ lít sữa.
Dựa trên xu hướng tiêu dùng quan sát được ở châu Á, có thể thấy người tiêu dùng đang ngày càng có nhận thức và đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn đối với các sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn về phúc lợi động vật và tính bền vững.
Một ví dụ điển hình là báo cáo gần đây của Deloitte nêu bật rằng người tiêu dùng Ấn Độ đang ngày càng có ý thức hơn về giá trị, họ ưu tiên mua những sản phẩm phù hợp với mối quan tâm của mình về môi trường, sức khỏe và phúc lợi động vật.
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này liên quan trực tiếp đến mức độ nhận thức ngày càng cao về điều kiện chăn nuôi động vật và tác động của những thực hành chăn nuôi đến chất lượng sản phẩm cũng như môi trường.
Do đó, việc các công ty áp dụng biện pháp quản lý phù hợp và đảm bảo phúc lợi động vật không chỉ đáp ứng được nhu cầu về đạo đức mà còn giúp công ty nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh mà mức độ trung thành của người tiêu dùng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này.
Hơn nữa, theo báo cáo của Tạp chí Thực phẩm châu Á, ngành thực phẩm và đồ uống ở châu Á đang chuyển đổi với các xu hướng mới phản ánh nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm lành mạnh, an toàn và được sản xuất theo tiêu chuẩn đạo đức.
Việc quản lý bò sữa đúng cách sẽ đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và khuyến khích vật nuôi bộc lộ các tập tính tự nhiên, qua đó mang lại sự thoải mái và giảm thương tích cũng như tỷ lệ chết.
Ví dụ, việc chăm sóc và quản lý hoạt động sinh sản, sức khỏe đàn gia súc sẽ tạo nên sự khác biệt.
Bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này và nắm được làm thế nào để quản lý bò sữa đúng cách? Vui lòng đọc tiếp nội dung phía dưới!
Chăm sóc sinh sản giúp cải thiện năng suất
Càng tích cực quản lý trong quá trình phối giống nhân tạo và giai đoạn tiếp theo thì năng suất của đàn bò càng cao.
Cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ chuồng nuôi, vì nhiệt độ quá cao có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và khiến việc phát hiện thời kỳ phối trở nên khó khăn hơn.
Chất lượng chăm sóc bê cũng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và khả năng sinh sản của đàn bò trong tương lai.
Sau đây là một số lưu ý quan trọng:
- 24 tháng là độ tuổi khuyến nghị để tiến hành phối giống lần đầu cho bò.
- Ở mức lý tưởng, bò sẽ đẻ trung bình một lứa mỗi năm, hay một lứa sau mỗi 12 tháng.
- Quản lý đúng cách là chăn nuôi bò trong chuồng có mái che hoặc chuồng bầu có đủ nước và thức ăn chất lượng trong 30 ngày trước khi đẻ.
- Trung bình thời kỳ cạn sữa sẽ kéo dài 60 ngày để chuẩn bị cho lứa sữa sau.
Quản lý, tương tác giữa người chăn nuôi và vật nuôi
Quản lý bò sữa đúng cách bao gồm xử lý vật nuôi một cách bình tĩnh, không la hét hay di chuyển đột ngột, sử dụng các kỹ thuật đảm bảo tôn trọng tập tính tự nhiên của loài và không gây căng thẳng hay thương tích cho vật nuôi.
Sau đây là một số hướng dẫn để đảm bảo phúc lợi động vật trong công tác quản lý đàn:
- Không lôi kéo hay xách động vật bằng đuôi, da, tai hoặc các chi.
- Chỉ nên di chuyển bê bằng cách bế, dắt hoặc dùng phương tiên vận chuyển an toàn. Tuyệt đối không lôi, kéo bê.
- Trong quá trình bò đẻ con, chỉ nên can thiệp để hỗ trợ sinh nở và hạn chế áp dụng biện pháp gây chuyển dạ.
- Dây rốn của bê nên được ngâm trong dung dịch sát trùng.
- Nếu vật nuôi không thể đi lại thì cần điều trị ngay.
- Tuyệt đối không đánh dấu bằng cách cắt, khía tai hoặc đánh dấu trên mặt, ngoại trừ vì lý do vệ sinh theo yêu cầu của bác sĩ thú y.
- Phải luôn kiểm soát và huấn luyện chó để không gây tổn hại hay căng thẳng cho gia súc. Không để chó vào khu vực vắt sữa.
Quản lý
Nếu người quản lý trang trại không tuân thủ các tiêu chuẩn phúc lợi động vật và nắm được đặc điểm riêng của từng loài thì không thể quản lý bò sữa đúng cách. Do đó, cần đào tạo đầy đủ cho tất cả quản lý và nhân viên, bao gồm:
- Đào tạo về cách xác định và giải quyết các yếu tố có thể gây căng thẳng cho bò sữa.
- Trang bị kiến thức về kế hoạch hành động khẩn cấp để ứng phó trong trường hợp hỏa hoạn, hạn hán hoặc lũ lụt.
- Duy trì hồ sơ về đàn vật nuôi, về quy trình kiểm dịch và việc dùng thuốc để phục vụ công tác thanh tra của các cơ quan chứng nhận phúc lợi động vật.
Sức khỏe đàn vật nuôi
Để đảm bảo sức khỏe cho bò sữa, cần xây dựng Kế hoạch chăm sóc sức khỏe vật nuôi (PSA) và cập nhật thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ thú y, đồng thời liên tục theo dõi tình hình vật nuôi.
Các biện pháp bao gồm:
- Quan sát các bệnh sinh sản, bệnh truyền nhiễm và thương tích do chuồng nuôi hoặc quản lý chưa phù hợp gây ra.
- Điều trị kịp thời cho vật nuôi bị bệnh hoặc bị thương và tìm bác sĩ thú y hỗ trợ, nếu cần.
- Cách ly vật nuôi mới nhập từ nơi khác.
- Kiểm tra và chăm sóc móng ít nhất một lần mỗi năm.
- Đánh giá và ghi chép về tình trạng viêm móng trong đàn hai lần mỗi năm.
- Việc cắt bỏ núm vú thừa cần được thực hiện trước giai đoạn dậy thì, có kết hợp dùng thuốc giảm đau.
- Việc cắt sừng có thể được thực hiện ở giai đoạn dưới 3 tuần tuổi, bằng cách đốt điện kết hợp dùng thuốc giảm đau.
- Việc cắt sừng chỉ được thực hiện bởi bác sĩ thú y, với điều kiện có sử dụng thuốc an thần hoặc gây tê tại chỗ và thuốc chống viêm.
- Tuyệt đối không cắt đuôi, tuy nhiên, có thể tỉa lông.
- Trang trại phải được trang bị đầy đủ để tiến hành giết mổ nhân đạo nếu cần, quy trình này phải do nhân viên đã qua đào tạo hoặc bác sĩ thú y thực hiện, và việc xử lý xác vật nuôi phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của địa phương.
Tìm hiểu thêm về một số thực hành tốt nhất trong quản lý sinh sản ở vật nuôi!
Published on March 26, 2025